Phong cách biểu diễn và nhận định Hoàng Hồ Khánh Vân

Hoàng Hồ Khánh Vân tại cuộc thi Âm nhạc quốc tế Violon và Hòa tấu Thính phòng Việt Nam, năm 2019

Cô từng được đào tạo bởi nhiều giáo viên vĩ cầm trong nước như Ngô Hoàng Linh[1], Ngô Văn Thành, Bùi Công Duy và tại quốc tế như Vilmos Szabadi ở Hungary.[12] Hoàng Hồ Khánh Vân cũng thường xuyên biểu diễn cùng người chị gái Hoàng Hồ Thu. Cô từng bày tỏ: “Tôi và chị Thu rất gắn bó. Là đối tác của nhau, chúng tôi có thể thẳng thắn với nhau và có thể thảo luận mà không có bất kỳ hiểu lầm nào vì chúng tôi biết rằng cả hai đang cố gắng giúp đỡ lẫn nhau.”[4] Họ cũng có chung mong muốn truyền bá âm nhạc cổ điển, thứ mà hai chị em gọi là “báu vật cho nhân loại” với người Việt Nam.[4]

Hoàng Hồ Khánh Vân cũng cho biết đối với cô, "chơi một tác phẩm của Việt Nam không chỉ làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc mà còn là một lợi thế so với các thí sinh khác." Cô cũng cho biết rằng bản thân hiểu tinh thần âm nhạc dân gian của Việt Nam nên việc học và biểu diễn bài hát dễ dàng hơn đối với cô.[12] Trong cuộc thi Âm nhạc quốc tế Violon và Hòa tấu Thính phòng Việt Nam tổ chức năm 2019, Khánh Vân đã chọn một số tác phẩm mà cô đã tìm hiểu trước đó. Trong vòng đầu tiên, cô chơi độc tấu bản Sonata cung La thứ (2 chương Grave và Fuga) của Bach, Caprice Số 24 của PaganiniSonata của Mozart cung Mi thứ K.304. Cô chọn bản Sonata số 3 của Brahms, Caprice Viennois của Kreisler, rhapsody Bài ca chim ưng của Đàm Linh và Carmen Fantasy của Sarasate trong vòng hai. Trong vòng thứ ba, cô chơi bản concerto cho vĩ cầm của Brahms.[12] Chia sẻ về kinh nghiệm biểu diễn tại các cuộc thi âm nhạc, Hoàng Hồ Khánh Vân nói rằng cô không tập trung quá nhiều vào màn trình diễn của các thí sinh khác mà chỉ tập trung vào niềm đam mê với âm nhạc của chính mình.[3]

Sau 4 năm học tại Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc, Hungary, cô tự nhận thấy ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm đến âm nhạc cổ điển, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khánh Vân cho rằng sự trẻ trung và cởi mở của Việt Nam là cơ hội tốt để truyền bá âm nhạc cổ điển.[12]

Nhận định

…Cách đây 3 năm khi Khánh Vân đến Hungary học, tôi rất ngạc nhiên vì Khánh Vân là một cô gái rất bé nhỏ chỉ nặng khoảng 38kg, lúc đó tôi nghĩ không biết liệu Khánh Vân có đánh đàn được không. Nhưng tôi thật sự bất ngờ khi nghe Khánh Vân chơi đàn. Trình độ đánh vĩ cầm của Khánh Vân đã khá tốt và vững vàng...

Vilmos Szabadi, báo điện tử Văn hóa, 9 tháng 8 năm 2019[13]

Báo Tuổi trẻ nhận xét Khánh Vân là một trong những gương mặt trẻ triển vọng nhất của thế hệ nghệ sĩ cổ điển Việt Nam hiện nay.[14] Báo Quân đội nhân dân cũng nêu tên cô là một những "gương mặt tiêu biểu", "tài năng trẻ vĩ cầm" của âm nhạc cổ điển Việt Nam.[15]

Giáo sư, nghệ sĩ vĩ cầm Lorenz Gamma nhận định cô rằng: "Vân có sự cảm thụ tốt với tác phẩm, tôi thấy kỹ thuật trình diễn của cô ấy cũng rất bài bản. Điều quan trọng hơn là tinh thần độc lập trong cách xử lý tác phẩm của cô ấy. Tiếc là Vân còn cần thêm nhiều sự cọ xát hơn nữa để hoàn thiện hơn trình độ biểu diễn của mình".[14] Nghệ sĩ Bùi Công Duy nhận thấy cô là một học trò "tài năng và có sự quyết tâm rất cao".[3] Nghệ sĩ vĩ cầm Trần Xuy của Trung Quốc cho biết anh rất thích "cách chơi trong trẻo, kỹ thuật cao" của Khánh Vân và tin rằng cô sẽ trở thành "một tài năng âm nhạc lớn trong tương lai."[3] Nghệ sĩ Vilmos Szabadi, Trưởng khoa vĩ cầm tại Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc, Budapest, cũng từng là thầy giáo của Hoàng Hồ Khánh Vân kể lại rằng lần đầu tiên gặp Vân, ông đã rất ngạc nhiên vì Khánh Vân "chỉ nặng khoảng 38 kg nhưng có trình độ khá cao".[7] Tuy nhiên, ông cho rằng "cũng giống như nhiều sinh viên châu Á, việc đọc hiểu tác phẩm xuất xứ từ châu Âu vẫn là điểm chưa mạnh của sinh viên Việt Nam, trong đó có Hoàng Hồ Khánh Vân."[7]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoàng Hồ Khánh Vân http://vncmf.org/en/competition/result.html http://baovanhoa.vn/giai-tri/am-nhac/artmid/476/ar... https://web.archive.org/web/20190816125055/http://... https://web.archive.org/web/20190816234307/http://... https://web.archive.org/web/20200926024006/https:/... https://web.archive.org/web/20200926082618/https:/... https://web.archive.org/web/20210415132452/https:/... https://web.archive.org/web/20220607153514/http://... https://web.archive.org/web/20220607153525/https:/... https://web.archive.org/web/20220607153554/https:/...